Bây giờ, người dân ở các vùng quê Quảng Bình không chỉ tìm trầm ở những cánh rừng trong nước, mà còn “xuất ngoại” sang tận Thái Lan, Malaysia… để rồi không ít người phải bỏ mạng ở xứ người. May mắn sống sót thì bị bắt, cầm tù, khiến người thân ở nhà phải chạy tiền để chuộc cha, cứu chồng...
Theo thống kê sơ bộ, đến nay ở thôn Trúc Ly (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã có hơn 50 người chết vì trầm hương. Còn chuyện người dân trong thôn xuất ngoại sang Malaysia, Lào, Thái Lan... tìm trầm rồi bị bắt thì xảy ra thường xuyên. Ông Lê Quang Hiếu - trưởng thôn - bùi ngùi: “Người dân trong làng cơ cực lắm chú, nên gần như nhà mô cũng có người đi trầm”. Ban đầu chỉ là thanh niên, sau đó thì người có vợ, có con, thậm chí người hơn 60 tuổi cũng đeo ba lô theo con cháu vào rừng tìm kiếm vận may”.
Khi những cánh rừng miền Trung cạn kiệt trầm hương thì người dân làng Trúc Ly vác ba lô vượt dãy Trường Sơn để tìm trầm. Từ rừng Lào đến Malaysia, Thái Lan..., mỗi chuyến đi như vậy có khi vài tháng, có khi cả năm mới về. Cũng không thể phủ nhận, có giai đoạn nhờ “đi trầm” mà đời sống người dân ở đây thay đổi hẳn, người người xây nhà, mua xe xịn nhờ “trúng trầm”. Thế nhưng, phần lớn những phu trầm ở Quảng Bình trắng tay do bị bắt hoặc bỏ mạng giữa rừng sâu xứ người. Theo người dân địa phương, có hàng chục người trong làng bị tù ở Malaysia, Thái Lan đã nhiều năm nay chưa được thả về. Còn chuyện người ở nhà phải chạy vạy tiền gửi sang để giải cứu “phu trầm” được coi là chuyện thường xuyên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở thôn Trúc Ly có 4 “vua trầm”. Những người này quyết định giá trầm ở khu vực bắc miền Trung và tổ chức đường dây đưa người sang Malaysia tìm trầm. Ước tính đầu năm đến nay, thôn Trúc Ly có hơn 130 phu trầm sang Malaysia bằng hộ chiếu du lịch 1 đến 3 tháng. Tiền vé máy bay sẽ do “vua trầm” chi. Các “vua trầm” cũng cử người ở Malaysia đón các “khách du lịch” từ Việt Nam sang rồi đưa thẳng vào rừng.
Theo báo cáo của Ban công an xã Võ Ninh, thời gian qua đã có hơn 300 người ở thôn Trúc Ly, thôn Tây, Hà Thiệp... bị lực lượng chức năng các nước Thái Lan, Malaysia, Lào bắt giữ hoặc bị bắn chết. Riêng thôn Trúc Ly năm 2012 đã có 7 người chết khi xuất ngoại tìm trầm. Ông Lê Văn Lãm - Trưởng công an xã Võ Ninh - cho biết: Riêng từ đầu năm 2013 đến nay đã có 24 người bị bắt giữ tại Thái Lan, Malaysia. Có trường hợp thì bị tù, có trường hợp thì đòi gửi tiền bắt chuộc mới được thả về. Còn năm 2012 toàn xã có 33 người bị các nước sở tại bắt giữ.
Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Tuấn (46 tuổi) và con rể Phạm Văn Đông (26 tuổi) - đều trú thôn Trúc Ly - vừa mới từ nhà tù Thái Lan về nước. Ông Tuấn ngậm ngùi: “Bàng hoàng quá, mạng sống của bọn tui ở bên đó rẻ mạt chú ơi”. Rồi ông kể, ông cùng con rể và hai người dân địa phương khác là Trần Văn Đoàn và Phạm Văn Luyên tìm đường “xuất ngoại” tìm trầm vào ngày 24.6.2012. Sau hơn 20 ngày băng rừng, 4 người đã đặt chân lên vùng rừng Thái Lan - cách nơi có dân cư khoảng 3 giờ đi bộ.
Vài ngày sau, 4 người phát hiện ra “cội” (cây gió có trầm). Khi vừa chặt hạ cây xong thì bất ngờ có khoảng 30 người với súng ống trên tay, hung dữ quát tháo bằng tiếng Thái. Quá hoảng sợ, ông và con rể chỉ biết đứng im trong khi đó anh Đoàn và anh Luyên tháo chạy. Lập tức nhóm người trên bắn chết hai người ngay tại chỗ. Hai cha con ông bị còng tay, vài tiếng sau công an sở tại đến dẫn độ về nơi giam giữ.
Anh Đông thì cho biết, sau khi bị bắt, hai cha con ông bị nước sở tại đem ra toà và tuyên án 10 tháng tù giam vì hai tội “chặt cây” và “xâm phạm rừng trái phép”. Anh Đông bỗng nhiên khóc nức nở: “Tui và cha vợ tận mắt chứng kiến anh Đoàn và anh Luyên bị bắn chết quá dã man, nhưng lực lượng chức năng bên đó không điều tra gì hết. Đau đớn quá...”. Sau 10 tháng ngồi tù ở Thái Lan, cha con ông Tuấn được chuyển vào trại tị nạn ở Bangkok, gia đình chuyển tiền sang nộp phạt mới được về nhà.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tuyết - vợ nạn nhân Đoàn - một trong hai người bị bắn chết ở trên - nói trong nước mắt: “Nghe hung tin, gia đình tui đã sang tận Thái Lan để đem xác anh Đoàn về với tổng chi phí hơn 60 triệu đồng. Gia đình tui chỉ biết đem xác về chôn, chứ nguyên nhân vì sao anh Đoàn chết, đến giờ không cơ quan nào xác nhận với tui...”.
Những năm gần đây, không chỉ Trúc Ly mà nhiều địa phương khác ở Quảng Bình, đâu cũng nghe kể chuyện “người trong thôn” bị bắt giữ hay bỏ mạng giữa rừng sâu xứ người khi đi “du lịch” trầm. Tuy nhiên, những bài học ấy vẫn không khiến người dân địa phương từ bỏ ý định tìm kiếm sự may mắn từ trầm ngoại. Sau khi bị tù hay phải trả tiền chuộc để được thả về, vẫn có người lại khăn gói tiếp tục “du lịch”, bởi một lý do khá đơn giản, không đi trầm thì cũng không biết làm gì để sống và quan trọng hơn cả là để trả nợ!
Xung quanh chuyện đi tìm trầm nhưng tiền không thấy đâu, lại phải bỏ mạng rồi người thân phải lặn lội sang nước người đem xác về, ông Lê Văn Lãm - Trưởng Công an xã Võ Ninh - cho biết, có trường hợp bị chết ở bên Malaysia, để thuận tiện cho việc đem thi hài về quê nhà, các bạn trầm đi cùng phải chấp nhận dùng cây rừng để đốt xác nạn nhân, sau đó đem tro về nhà cho gia đình. Còn nguyên nhân dẫn đến cái chết, phần lớn đều không rõ ràng vì chỉ nghe nói lại chứ không được điều tra. Chỉ biết là bị bắn chết hay bị cây đè... Gia đình ở quê cũng chỉ biết đón nhận xác rồi làm lễ an táng cho người xấu số chứ không biết bấu víu vào đâu để tìm hiểu nguyên nhân.
Anh Lê Văn Minh (27 tuổi) - con trai ông Lê Văn Bình, tử nạn tại Malaysia tháng 9.2012 - kể: “Khi nghe mấy người đi cùng đoàn nói ba em đã bị chết, gia đình đã 3 lần lặn lội sang vùng rừng cách thủ đô Kualalumpur hơn 500km mới tìm thấy thi thể với chi phí hơn 300 triệu đồng”. Trước đó ông Bình cùng một nhóm người sang Malaysia tìm trầm theo diện làm hộ chiếu du lịch. Hơn 4 tháng sau khi tử nạn, thi thể ông Bình mới được tìm thấy với rất nhiều vết chém.
Sau đó sự việc đã được báo với các cơ quan chức năng sở tại và địa phương nơi ông Bình cư trú, tuy nhiên đến nay hơn 8 tháng mà vẫn chưa có trả lời về kết quả khám nghiệm cũng như nguyên nhân cái chết. Gia đình ông Bình thì vẫn nghi ngờ cái chết có sự cố ý giữa các bạn trầm. Tuy nhiên, sự việc xảy ra giữa rừng sâu Malaysia nên việc điều tra không hề đơn giản. Chính vì vậy, gia đình những phu trầm bỏ mạng nơi xứ người xa xôi sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời về nguyên nhân cái chết của người thân...
Ông Nguyễn Minh - Chủ tịch UBND xã Võ Ninh - thừa nhận: “Rất khó để có thống kê chính xác số lượng người dân vượt biên và xuất cảnh ra nước ngoài để tìm trầm vì họ đều đi lén lút hoặc đi theo con đường du lịch. Trước thực trạng vì mục đích kinh tế mà gây nguy hiểm đến tính mạng, chính quyền địa phương không thể ngăn cản mà phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động người dân chấm dứt tình trạng trên và chuyển đổi ngành nghề sản xuất. UBND xã cũng đã xây dựng đề án nhằm nâng cao thu nhập của người dân như nuôi trồng thuỷ sản, nuôi tôm, nuôi cá nước ngọt... Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng người dân xuất cảnh tìm trầm thì phải có thời gian”.
Nguồn: Báo Lao Động
Bình luận
0 bình luận cho Trào lưu xuất ngoại tìm trầm hương